Gần 15% dân số Việt bị rối loạn tâm thần, gây ra gánh nặng bệnh tật và tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, làm giảm nguồn lực phát triển KTXH.
Rối loạn tâm thần là gì?
Rối loạn tâm thần (psychosis) là hiện tượng một người thoát ly, xa rời và phủ nhận thực tế.
Triệu chứng chính của rối loạn tâm thần là ảo tưởng.
Ảo tưởng (delusions) là là hiện tượng một người tin vào những điều không tồn tại trong thực tế, tin vào những điều được truyền bá bí mật (không công khai), một ảo tưởng phổ biến là ai đó tin rằng có một âm mưu đang làm hại họ.
Rối loạn tâm thần ở Việt Nam
Ông Cao Hưng Thái, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ thông tin tại hội thảo Góp ý Đề án Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, ngày 10/08/2023: Tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm gần 15% dân số, cứ 7 người Việt thì có một người mắc bệnh, phần lớn không được điều trị.
Có nhiều loại rối loạn tâm thần với các biểu hiện khác nhau, bao gồm trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ. Rối loạn tâm thần không chỉ gây gánh nặng bệnh tật, còn dẫn đến tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, giảm nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Trên toàn cầu, cứ 8 người thì có một đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 khiến nhiều người bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25% trong năm đầu tiên đại dịch.
Đáng lo ngại là sức khỏe tâm thần ở lứa trẻ. Bác sĩ Nguyễn Huy Du, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho biết Khảo sát Sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 ghi nhận 21,7% thanh thiếu niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thế giới, hơn 75% rối loạn sức khỏe tâm thần khởi phát ở tuổi 24. Ảnh hưởng của bệnh tâm thần ở tuổi vị thành niên có thể kéo dài và gây những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế xã hội trong suốt cuộc đời.
Theo bác sĩ Du, giống như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần tồn tại liên tục trong suốt cuộc đời, ở cả giai đoạn hạnh phúc cũng như đau khổ. Đây là nền tảng cho khả năng suy nghĩ, cảm nhận, học tập, làm việc, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp cho xã hội.
“Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn bị kỳ thị, thiếu kinh phí và nguồn lực hỗ trợ”, bác sĩ Du nói, thêm rằng sức khỏe tâm thần là một trong những lĩnh vực cộng đồng bị bỏ quên nhiều nhất. WHO ước tính 71% người bị rối loạn tâm thần toàn thế giới không nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các quốc gia chi trung bình chỉ hơn 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.
Tại Việt Nam, dù đã có nhiều chương trình về chăm sóc sức khỏa tâm thần, song vẫn còn những khoảng trống đáng kể. Chẳng hạn, Việt Nam không có chính sách về sức khỏe tâm thần cung cấp “tầm nhìn, giá trị, nguyên tắc, mục tiêu và mô hình hành động rộng rãi”, như định nghĩa theo tiêu chuẩn của WHO. Nước ta không có nhân viên tư vấn hoặc nhân viên công tác xã hội tại trường học để cung cấp hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội cho học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc gặp phải các rối loạn hành vi.
Tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng trong lĩnh vực tâm thần ở nước ta còn khá thấp. Cả nước chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu trong các bệnh viện công, tỷ lệ này trên 100 nghìn dân thấp hơn gần 10 lần so với trung bình chung toàn cầu. Số giường bệnh tâm thần trong cả nước theo kế hoạch là hơn 9.400, trong khi thực kê chỉ hơn 11.400, thấp hơn nhiều so với các nước. Hiện, chỉ tuyến tỉnh và trung ương có chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị.
“Lĩnh vực tâm thần rất chuyên biệt, rất đặc thù. Cả xã hội rất quan tâm, WHO khuyến nghị rất nhiều, nhiều quốc gia có luật khám chữa bệnh tâm thần nhưng Việt Nam chưa có”, ông Thái nói. Chính phủ và Bộ Y tế đang tăng cường về thể chế chính sách pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nhân lực. Bộ Y tế cũng đang xây dựng hai đề án nâng cao gồm tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030 và tăng cường năng lực giám định pháp y tâm thần.
Theo đề án, Bộ Y tế sẽ tăng giường bệnh, tăng nguồn nhân lực y tế và cơ sở vật chất lĩnh vực này. Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ người được định kỳ sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tâm thần đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Khoảng một nửa số trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần được can thiệp sớm vào năm 2030.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần để luôn sẵn có và dễ dàng tiếp cận ở những nơi cần thiết nhất. Hiện, vẫn nhiều sự thiếu hiểu biết, sợ hãi và thái độ phân biệt đối xử về các vấn đề sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần. Do đó, cần nỗ lực nâng cao nhận thức người dân, xóa bỏ sự kỳ thị, khuyến khích các cá nhân liên hệ với bạn bè, gia đình và các chuyên gia khi đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần.