Bệnh do thực phẩm khá phổ biến nên việc tuân theo những quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng.
Thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ
Mua thực phẩm có hóa đơn, có mã vạch sản phẩm dù gì cũng tốt hơn mua thực phẩm mà không biết người bán là ai hay tìm lại người bán ở đâu.
Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc càng ít chế biến càng tốt
Nên mua 1 miếng thịt nguyên khối hơn là 1 gói thịt xay, với thịt xay, bạn không thể biết người ta đã xay như thế nào và đã xay những gì.
Rửa sạch tay và các bề mặt, dụng cụ
Trước khi bắt tay vào nấu ăn, nên rửa tay bằng nước ấm và xà phòng và rửa lại một lần nữa trong và sau khi nấu ăn. Hãy nhớ rằng, bàn tay là công cụ chính trong nhà bếp vì vậy bạn cần giữ cho chúng sạch sẽ.
Việc rửa tay đặc biệt quan trọng khi xử lý thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng – những thứ có thể làm lây lan vi trùng gây bệnh từ thực phẩm. Tương tự như vậy, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, đi vệ sinh, thay tã, xử lý rác và chạm vào vật nuôi hoặc thức ăn cho vật nuôi.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng nước rửa tay khô không thể thay thế cho việc rửa tay trong nhà bếp.
Chất khử trùng tay chứa cồn có thể tiêu diệt một số vi khuẩn nhưng nó sẽ không loại bỏ được đất cát và cặn. Rửa tay bằng nước xà phòng ấm sẽ giúp loại bỏ các thành phần này và làm sạch tay hiệu quả.
Ngoài rửa tay, đừng quên rửa sạch dụng cụ nhà bếp như dao, thớt, nồi niêu… trước và sau khi sử dụng.
Rửa các thực phẩm cũng quan trọng không kém. Cần rửa sạch trái cây và rau quả dưới vòi nước ngay trước khi ăn. Điều này là cần thiết ngay cả khi sản phẩm của bạn có vỏ không ăn được, chẳng hạn như dưa hấu hoặc cam, vì bụi bẩn và vi trùng có thể bám trên vỏ. Lưu ý, không sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa để rửa thực phẩm.
Tách biệt các loại thực phẩm khác nhau để tránh lây nhiễm chéo
Một quy tắc an toàn thực phẩm cơ bản khác là để tách biệt từng loại thực phẩm. Điều này rất quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, tức là việc truyền mầm bệnh từ bề mặt này sang bề mặt khác. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị cá hồi sống trên thớt rồi dùng nó để cắt rau diếp, vi trùng sẽ lan từ cá sang rau. Trong khi cá hồi được nấu chín thì rau diếp lại để ăn sống.
Trong quy tắc tách biệt này, nên lưu ý để riêng thực phẩm sống, chín, thực phẩm ăn liền… trong tủ lạnh. Việc tách biệt thực phẩm sống và thực phẩm ăn liền rất cần thiết, dù ở môi trường không khí hay tủ lạnh.
Nấu ở nhiệt độ chính xác
Hầu hết mọi người phân biệt được sự khác biệt giữa thực phẩm sống và nấu chín nhưng không biết liệu thực phẩm đã được nấu chín đủ để tiêu diệt các mầm bệnh tiềm ẩn hay chưa. Do đó, ngoài sử dụng cảm quan (ví dụ quan sát bề mặt bánh nướng, ngửi mùi thực phẩm đã nấu), bạn có thể sử dụng nhiệt kế thực phẩm để biết chắc chúng được nấu chín chưa.
Bạn có thể tham khảo nhiệt độ chín của một số thực phẩm:
– Thịt bò, lợn, cừu và bê sống (ở dạng bít tết, quay hoặc cắt nhỏ) phải đạt đến nhiệt độ bên trong là 62 độ C trước khi lấy ra khỏi nguồn nhiệt (chảo, lò).
– Thịt bò xay sống, thịt lợn, thịt cừu và thịt bê nên được nấu ở nhiệt độ bên trong là khoảng 72 độ C.
– Thịt gà sống nên được nấu chín đến nhiệt độ bên trong là 74 độ C.
Làm lạnh bảo quản thực phẩm chín đúng cách
Việc không làm lạnh thực phẩm có thể khiến vi khuẩn có hại (Salmonella và E.coli ) phát triển đến mức gây bệnh cho con người. Điều này có thể xảy ra khi thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu và rơi vào vùng nhiệt độ từ gần 8 độ C đến 60 độ C, một phạm vi được gọi là vùng nhiệt độ nguy hiểm.
Khi thức ăn ở trong vùng nhiệt độ này, vi khuẩn có thể nhanh chóng nhân lên và nhân đôi số lượng chỉ sau 20 phút. Một số mầm bệnh thậm chí có thể tạo ra độc tố.
Quy tắc an toàn thực phẩm tốt nhất là làm lạnh thức ăn thừa trong vòng hai giờ sau khi nấu. Nên đặt chúng trong hộp bảo quản kín khí và vứt bỏ bất kỳ loại thực phẩm dễ hỏng nào đã để lâu hơn hai giờ. Thức ăn thừa sẽ để được từ ba đến bốn ngày trong tủ lạnh hoặc trong tủ đông từ ba đến bốn tháng.