Bảo vệ phổi bằng thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh

Bảo vệ phổi bằng thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh

Ô nhiễm không khí, tiếp xúc với hoá chất, khói thuốc… khiến phổi dễ bị tổn thương. Mỗi người nên duy trì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh để bảo vệ phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp.

Uống đủ nước, bảo đảm dinh dưỡng, giữ vệ sinh, kiểm soát căng thẳng, luyện hít thở sâu, tránh khói thuốc lá, tập thể dục… sẽ giúp bảo vệ phổi của bạn.

Uống đủ nước

Cơ thể thiếu nước làm khô các màng nhầy trong phổi, ảnh hưởng đường thở. Uống đủ nước làm tăng lưu thông máu, loại bỏ những độc tố, giúp phổi khỏe mạnh.

Người trưởng thành khỏe mạnh nên uống khoảng 8 cốc nước 237ml mỗi ngày, chia làm nhiều lần.

Uống nước ấm và hít hơi nóng trong nước ấm có thể giúp thông thoáng đường hô hấp.

Nước lạnh có thể khiến niêm mạc đường hô hấp bị co lại hoặc phù nề, xung huyết, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công đường hô hấp trên.

Uống đủ nước ấm làm tăng lưu thông máu, loại bỏ độc tố và bảo vệ phổi khỏe mạnh. Ảnh: Freepik.

Bảo đảm dinh dưỡng

Cần ăn uống đủ chất. Thực phẩm giàu vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn niêm mạc khí quản; vitamin C chống viêm, điều hòa miễn dịch, giảm nguy cơ, thời gian nhiễm trùng đường hô hấp. Vitamin D tăng hệ miễn dịch, kháng virus, vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm cúm, viêm phổi… Vitamin E giúp cải thiện chức năng phổi và một số triệu chứng hen suyễn ở trẻ em, người lớn.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

Một số bệnh hô hấp truyền nhiễm như cúm, Covid-19, viêm phổi, ho gà, RSV, cảm lạnh thông thường… gây hại phổi. Rửa tay thường xuyên trước và sau khi tiếp xúc với người khác, chuẩn bị thức ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Mỗi người chủ động tiêm vaccine phòng Covid 19, cúm, phế cầu, ho gà…

Kiểm soát căng thẳng

Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng ra hormone adrenaline và cortisol, khiến bạn thở nhanh, không sâu. Với những người có bệnh nền như COPD, hen suyễn, không khí khó lưu thông vào ra kém hơn bình thường nên tình trạng này có thể gây khó thở.

Ngoài ra, việc giải phóng nhiều cortisol khi bị stress cũng tăng cảm giác thèm ăn, dễ béo phì.

Ở những người hay hút thuốc, stress cũng khiến họ thèm hút thuốc hơn.

Mỗi người có thể giảm căng thẳng bằng cách ngủ đủ giấc vào ban đêm, tập thở chậm, sâu; dành thời gian cho bạn bè, gia đình…

Luyện hít thở sâu

Hít thở sâu giúp xoa dịu cảm giác lo lắng, thúc đẩy quá trình trao đổi khí hiệu quả. Bạn có thể luyện các bài tập thở sâu khoảng 5-10 phút mỗi ngày trong tình trạng sức khỏe bình thường để cải thiện hoạt động của phổi.

Thở mím môi

Tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn, tinh thần thư giãn; hít vào chậm qua mũi (tốt nhất nên kết hợp thở cơ hoành); sau đó từ từ thở ra với môi chúm lại như đang huýt sáo, thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Thở bằng cơ hoành

Nằm ngửa hoặc ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn; đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực; hít vào chậm, đều qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên; lồng ngực không di chuyển; hóp bụng lại dần theo nhịp thở chậm qua miệng và bàn tay trên bụng có cảm giác lõm xuống; tập thở sâu, từ từ, tăng dần mỗi ngày và không quá sức.

Tránh khói thuốc lá

Hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc thụ động đều gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Thuốc lá chứa khoảng 600 thành phần. Khi đốt cháy, chúng tạo ra hơn 7.000 chất hóa học, ít nhất 69 loại trong số đó là chất độc hại có khả năng gây ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi là người hút thuốc thường xuyên hoặc liên tục tiếp xúc với khói thuốc lá.

Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc làm phế nang mất tính đàn hồi, dung tích phổi thu hẹp, khiến không khí di chuyển khó khăn. Nicotin có thể làm tê liệt lông mao, khiến chất nhầy và chất độc tích tụ tại phổi, gây tắc nghẽn phổi. Oxy không được cung cấp đủ cho cơ thể khiến người hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc bị khó thở, ho dai dẳng, nguy cơ cao bị viêm phế quản, viêm phổi…

Bảo vệ phổi bằng thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên khoảng 20-30 phút mỗi ngày làm tăng lưu thông máu, trao đổi khí. Trong quá trình luyện tập, tim sẽ đập nhanh hơn, phổi cũng hoạt động mạnh hơn để cung cấp khí oxy cho cơ thể và loại bỏ CO2. Các bài tập như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội… hỗ trợ quá trình giãn ra – co lại của xương sườn, đẩy nhanh hoạt động của túi khí trong phổi.

Ở người thừa cân, mỡ thừa vùng bụng thường ức chế khả năng co rút của cơ hoành, hạn chế sự mở rộng của phổi, dễ gây khó thở. Tập thể dục thường xuyên sẽ giảm nguy cơ béo phì. Bạn nên tránh tập thể dục ở khu vực có mật độ giao thông cao hoặc khi chất lượng không khí kém.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm vấn đề từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. Điều này đặc biệt đúng đối với bệnh phổi bởi bệnh lý liên quan đến cơ quan này thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng.